Trà thảo mộc là thức uống quen thuộc với nhiều người. Đặc biệt là vào những ngày đông, khi tiết trời mưa phùn gió bấc là thời điểm thích hợp để thưởng thức một tách trà thảo mộc ấm nóng.
Nguồn gốc của trà thảo mộc
Trà thảo mộc thực chất không có nguồn gốc từ các giống cây trà (Camellia sinensis) như các loại trà khác. Trà thảo mộc có thành phần là các loại lá, hoa, quả, vỏ và rễ của nhiều loài cây khác. Sau khi phơi khô những nguyên liệu này có thể được dùng như một loại trà riêng biệt hoặc kết hợp với nhau để tạo ra hương vị đặc trưng mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Các thành phần có trong trà thảo mộc chứa các chất có lợi cho người dùng nên việc sử dụng loại trà này có các tác dụng như chống oxy hóa, giải tỏa đau nhức và căng thẳng, tác dụng an thần. Ngoài ra, do không thuộc họ cây trà nên trà thảo mộc không chứa chất caffeine tự nhiên, giúp phù hợp cho những người dùng nhạy cảm với chất này
Nguồn gốc chính xác của trà thảo mộc hiện vẫn chưa thể xác định rõ được. Theo các nhà khoa học, trà thảo mộc đã xuất hiện ở các nền văn minh cổ đại và được dùng với công dụng bồi bổ sức khỏe thể chất và mang lại cảm giác trấn an cho tinh thần.
Theo thời gian, ngoài những công dụng tốt cho sức khỏe và tinh thần, con người ngày nay dùng trà thảo mộc đơn giản vì hương vị thanh đạm của thức uống từ thiên nhiên này.
Mùa đông ấm với trà thảo mộc
Trà hoa cúc: Từ lâu trà hoa cúc đã được xem như một loại thảo dược có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Một tách trà hoa cúc ấm nóng sẽ giúp bạn điều trị cảm cúm, giúp thanh nhiệt, hạ hỏa, mát phổi, thanh lọc gan và an thần. Đặc biệt, trà hoa cúc còn hiệu quả với những triệu chứng khô miệng, khô mắt do thời tiết hanh khô của mùa đông gây ra. Ngoài ra trà hoa cúc còn là bài thuốc ngăn ngừa ung thư cực hiệu quả
Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện ra hóa chất apigenin có trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và khiến chúng nhạy cảm hơn với thuốc trị ung thư. Trà hoa cúc cũng có tác dụng đặc biệt đối với những người làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, ít di chuyển và ăn uống không đủ chất. Trà hoa cúc nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 30 – 45 phút sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Trà cam thảo: Đây là một loại trà thảo mộc có tính mát, hạ hỏa cho cơ thể, hỗ trợ đường tiêu hóa hạn chế loét lở, bồi bổ cơ thể. Hơn hết, trà cam thảo còn khá phù hợp với nhiều người muốn giảm cân bởi nó còn có tác dụng giảm cholesterol và bảo vệ gan. Mỗi ngày uống trà cam thảo giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Trà gừng: Trà gừng vốn là bài thuốc chống cảm cúm phổ biến trong dân gian từ xa xưa. Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể ngăn ngừa cảm lạnh. Ngoài ra nhờ hoạt tính kháng khuẩn, gừng còn hạn chế sự lây lan của virus cảm cúm và virus cảm lạnh. Chỉ cần bạn nhâm nhi một ly trà gừng nóng vào mỗi ngày là sẽ giúp phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa đông
Trà cỏ ngọt: Thuộc vào loại cây họ nhà cúc với hàm lượng Glucozo (đường) tự nhiên rất cao. Cỏ ngọt được dùng vào việc chế phẩm ra các loại trà, thuốc…những loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ và điều trị bệnh của con người. trà cỏ ngọt kết hợp cùng với trà atiso giúp hạ nhiệt, lợi tiểu. Trà cỏ ngọt hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp, tăng cường sức đề kháng, bổ khí huyết, thanh nhiệt, giảm độc và mát gan. Bên cạnh đó trà cỏ ngọt còn làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của cơ thể, bởi bản thân nó đã có chất đường ngọt tự nhiên.